Những sáng kiến vượt khó mới lạ của hàng không trong đại dịch
Đại dịch COVID-19 đã khơi dậy những nỗ lực sáng tạo nhất giúp các hãng hàng không lớn bù đắp cho những thiệt hại về thu nhập khi không bán được vé. Từ việc kinh doanh tất cả mọi sản phẩm có thể, cung cấp dịch vụ các chuyến bay giả tưởng, đến cả tham quan Nam Cực… Hãy cùng Careerfinder điểm qua Những sáng kiến vượt khó mới lạ của hàng không trong đại dịch .
Ngay cả các hãng hàng không nhận được các gói cứu trợ của chính phủ và đã thực hiện cắt giảm chi phí cũng đang tìm kiếm các nguồn doanh thu mới. Dưới đây là một số sáng kiến giúp các hãng đương đầu với cú đánh “Trời giáng” từ đại dịch:
BÁN SUẤT ĂN TRÊN MÁY BAY:
Hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong đã bắt đầu dịch vụ giao suất ăn trên máy bay tới tận nhà những hộ dân sinh sống tại khu vực gần sân bay quốc tế Hong Kong.
Suất ăn trên máy bay ban đầu chỉ định phục vụ cho nhân viên sân bay, song sau đó mở rộng ra tới các hộ dân lân cận trong Quận.
Một nhân viên làm việc tại sân bay cho biết suất ăn cơm gà cà ri 5 USD khá hợp lí so với các cửa hàng bán đồ ăn nhanh xung quanh nhưng chất lượng thì chưa bằng bữa ăn thực sự trên chuyến bay.
Bên cạnh đó, với tham vọng trở thành một “Amazon” của ngành hàng không , Cathay Pacific còn rao bán trực tuyến sản phẩm dùng trên máy bay để thúc đẩy doanh số thương mại điện tử của tập đoàn.
Một Hãng hàng không khác tại Canada là Air North cũng thực hiện chính sách tương tự, giao các bữa ăn hàng không đến tận nhà thực khách muốn thưởng thức. Khách hàng có thể đặt tối đa 20 suất ăn nấu sẵn cùng một lúc.
BÁN SẢN PHẨM NGHỆ THUẬT:
Tại Anh, hồi đầu tháng 07, hãng hàng không British Airways nghĩ tới sáng kiến nhắm đến những người yêu nghệ thuật.
Hãng đã trưng bày 17 tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao của các nghệ sĩ nổi tiếng như Bridget Riley, Damien Hirst… trong phòng chờ sân bay và trụ sở chính và bán chúng, thu về 2,8 triệu USD.
BÁN NÔNG SẢN:
Ghi nhận mức lỗ kỷ lục vào tháng trước, Hãng bay giá rẻ AirAsia đã bắt đầu một nền tảng thương mại điện tử Ourfarm, tương tự Amazon, để bán mọi nông sản, từ trái cây tươi, rau sạch, khoai tây đến thịt gà.
Ourfarm của AirAsia nhắm mục tiêu khai thác khả năng vận chuyển hàng hóa, hậu cần và thanh toán của hãng để kết nối trực tiếp nông dân Malaysia với các khách sạn, nhà hàng và siêu thị.
MỞ NHÀ HÀNG THIẾT KẾ THEO PHONG CÁCH CABIN MÁY BAY:
Hãng hàng không Thai Airways đã khai trương một nhà hàng trang trí theo chủ đề máy bay. Hãng sử dụng ghế ngồi trong nhà hàng là ghế trên máy bay, nhân viên phục vụ là tiếp viên hàng không, mang lại cảm giác trải nghiệm chân thật.
CHO THUÊ VĂN PHÒNG:
Hãng hàng không quốc gia Air New Zealand đang xem xét việc cho thuê một số trụ sở chính tại Auckland nhằm kiếm thêm chi phí. Theo phương tiện truyền thông địa phương, khoảng 1/4 văn phòng 6 tầng của công ty, tương đương 5.000m2 diện tích sàn, đã được thuê.
THAM QUAN NAM CỰC:
Hãng bay quốc tế Qantas Airways của Australia lên kế hoạch thực hiện các chuyến tham quan Nam Cực.
Dịch vụ khám phá Nam Cực Antarctica Flight đã thuê máy bay và phi hành đoàn của Qantas cho ít nhất 7 chuyến đi từ tháng 11/2020 đến tháng 2/2021. Các chuyến bay kéo dài từ 12 – 14 giờ và một ghế hạng thương gia với đầy đủ dịch vụ trên chuyến bay, có giá tầm 900 USD.
Bên cạnh đó Hãng này cũng bắt đầu chuyển sang bán các gói sản phẩm đặc biệt như các mặt hàng thường được tặng cho những hành khách cao cấp, bao gồm 10.000 bộ đồ ngủ mà hãng cho biết đã được mua hết chỉ trong vài giờ. Các gói tiện nghi trị giá 25 AUD (tiền Úc) thường được phát miễn phí cho những người ngồi ở ghế trước cũng được hãng rao bán trên mạng, bao gồm mĩ phẩm và thức ăn nhẹ trên chuyến bay.
BAY KHÔNG GIỚI HẠN:
Các Hãng hàng không Trung Quốc đang chạy đua chiến dịch khuyến khích khách hàng trở lại đường bay nội địa bằng các gói bay không giới hạn.
Chẳng hạn, hãng hàng không top 3 quốc gia China Eastern Airlines đã quảng cáo các chuyến bay cuối tuần không giới hạn trong thời gian còn lại của năm với mức phí là 3.322 Nhân dân tệ (487 USD). Kết quả có hơn 150.000 khách sử dụng thẻ trong 2 ngày cuối tuần, lượng người dùng gói chiếm 90% trên nhiều chuyến bay.
CHUYẾN BAY GIẢ TƯỞNG:
Vào thời điểm trước khi các nước mở cửa lại biên giới và khôi phục các đường bay quốc tế, nhiều Hãng hàng không đã phát triển dịch vụ chuyến bay giả tưởng.
Hãng All Nippon của Nhật Bản đã cho ra mắt chuyến bay “không điểm đến” theo phong cách Hawaii tuyến Tokyo – Honolulu để phục vụ khách thèm bay. Phi hành đoàn đeo khẩu trang, mặc áo sơ mi phong cách Hawaii và phục vụ cocktail trong suốt chuyến đi kéo dài 90 phút. Ít nhất 330 hành khách sẵn sàng trả từ 129 USD đến 470 USD để trải nghiệm chuyến bay này.
Hãng hàng không Starlux tại Đài Loan cung cấp các chuyến bay “giả vờ đi nước ngoài” vòng quanh đảo do chính chủ tịch của hãng điều khiển. 188 vé đã được bán hết trong 30 giây.
Tập đoàn EVA Airways cũng đã lấp đầy tất cả 309 chỗ ngồi trên chuyến bay tương tự nhân dịp Ngày của Cha hôm 8/8 vừa qua.
Đây quả là những nỗ lực đáng nể, “cái khó ló cái khôn” của ngành hàng không trên toàn thế giới nhằm đương đầu với đại dịch, cố gắng để tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn, hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Bí quyết trúng tuyển nằm trong cuốn sách này
Bộ giáo trình
Câu hỏi & hướng dẫn trả lời
phỏng vấn tiếp viên hàng không
👉Hướng dẫn chi tiết cách trả lời mọi loại câu hỏi phỏng vấn tiếp viên hàng không các hãng trong nước
👉Kết nối với kho E-learning video bài giảng huấn luyện chuyên sâu của thầy Lê Thành Hồng Quân
Mua ngay tại SHOPEE